Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM áp dụng thành công kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng vật liệu tự thân, còn gọi là Ozaki. Kỹ thuật này được đánh giá là bước tiến trong phẫu thuật bệnh nhân có vấn đề ở van động mạch chủ.
Bệnh nhân được thay van động mạch chủ bằng vật liệu tự thân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: TT.
|
Bác sĩ Võ Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật Tim mạch cho biết cha đẻ của phương pháp trên là giáo sư người Nhật Ozaki. Ông tiên phong trong việc lấy màng ngoài tim của người bệnh để tái tạo thành van tim cho chính họ. Van tim này được tái tạo từ một phần cơ thể người bệnh nên khả năng dung nạp tốt hơn, thời hạn sử dụng của van lâu hơn so với van cơ học hay sinh học. "Loại van tự thân có cấu trúc giống như van tự nhiên nên dòng máu qua van ít bị cản trở hơn so với van cơ học hoặc van sinh học", bác sĩ chia sẻ.
Với phương pháp Ozaki, người bệnh không phải dùng thuốc kháng đông suốt đời, giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng van nhân tạo, không cần phải “sống gắn bó bệnh viện”. Theo nghiên cứu của giáo sư Ozaki, ở nhóm người bệnh trẻ tuổi, tỷ lệ thành công và không mổ lại sau 10 năm lên đến 95-98%. Tỷ lệ này ở nhóm bệnh nhân thay van sinh học là 85%.
Theo phó giáo sư Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, các bệnh lý bất thường của van động mạch chủ như hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ thường là nặng và chữa trị phức tạp. Trước đây, khi cần phải thay van nhân tạo, người bệnh có hai lựa chọn là van cơ học và van sinh học. Van cơ học có ưu điểm sử dụng lâu dài, không cần thay mới, nhưng người bệnh cần đến bệnh viện tái khám thường xuyên và dùng thuốc kháng đông suốt đời. Bệnh nhân đối diện với nguy cơ tai biến do sử dụng thuốc kháng đông như kẹt van cơ học, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết trong cơ, bao khớp…
Người bệnh được thay van sinh học có nguồn gốc từ động vật không cần dùng thuốc kháng đông liên tục, nhưng sau 10 đến 15 năm van sẽ hỏng, cần phẫu thuật lại để thay van mới.
Kỹ thuật này đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt phù hợp với người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh không muốn phụ thuộc vào thuốc kháng đông...
Từ năm 2017 đến nay các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thực hiện tái tạo van động mạch chủ bằng màng ngoài tim thành công cho 10 trường hợp, nhỏ nhất là ba tuổi. Chi phí trung bình cho mỗi ca thay van tự thân khoảng 80 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm y tế, tiết kiệm ít nhất 20 triệu đồng so với các kỹ thuật thay van động mạch chủ thông thường.
Để hạn chế kích thước đường mổ, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật ít xâm lấn kết hợp với phương pháp Ozaki. Thay vì phải mổ dọc xương ức, các bác sĩ dùng kỹ thuật nội soi để lấy màng tim với vết mổ chỉ dài khoảng 6 cm. Nhờ đó người bệnh giảm đau đớn và ít mất máu, không cần phải cưa toàn bộ xương ức như phương pháp Ozaki kinh điển.
Bác sĩ Cao Đằng Khang kỳ vọng kỹ thuật này mang lại cơ hội điều trị tốt hơn cho trẻ em bị bệnh van động mạch chủ. Trước đây, chỉ định thay van rất hạn chế cho trẻ em vì vòng van nhân tạo làm cho vòng van tự nhiên không lớn lên được cùng với tim của bệnh nhi, thường bị hẹp khi trẻ lớn lên. Với kỹ thuật Ozaki, bác sĩ có thể dùng màng tim của bệnh nhi để tạo thành van động mạch với kích thước phù hợp để thay thế cho chiếc van đã bị hỏng. Dù vậy, kỹ thuật này còn khá mới mẻ nên các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và cân nhắc đến độ giãn nở, tương thích của van khi đứa trẻ lớn lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét