Cử em gái tới Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như muốn thể hiện rằng ông hoàn toàn coi trọng nỗ lực hòa giải căng thẳng liên Triều.
Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.
|
Bà Kim Yo-jong, phó chủ nhiệm Ban Tuyên giáo thuộc đảng Lao động Triều Tiên, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ngày mai sẽ có mặt trong phái đoàn cấp cao tới Hàn Quốc tham dự thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018. Động thái trên làm dấy lên những đồn đoán về triển vọng diễn ra các cuộc gặp cấp cao giữa Bình Nhưỡng và Seoul cũng như Washington, theo Wall Street Journal.
Kim Yo-jong, khoảng 30 tuổi, được chính quyền Mỹ và Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ bởi vai trò quan trọng của cô đối với bộ máy lãnh đạo Triều Tiên. Những năm gần đây, Kim Yo-jong thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ đảng Lao động Triều Tiên. Giới quan sát suy đoán cô chính là người giám sát mọi hoạt động tuyên truyền của nhà nước.
Chuyên gia nhận định việc cử Kim Yo-jong tới Hàn Quốc lần này còn đáng chú ý hơn việc Triều Tiên để Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam dẫn đầu phái đoàn. Ông Kim Yong-nam không có quan hệ họ hàng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và khó có được vị thế như Kim Yo-jong.
"Người đáng tin cậy nhất để cử đi không ai khác chính là thành viên gia đình họ Kim", Christopher Green, cố vấn cấp cao về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Toàn cầu, nhận xét.
Theo Green, khác với ông Kim Yong-nam, Kim Yo-jong có thể tự do nêu lên ý kiến và truyền tải thông điệp bởi cô là thành viên gia đình nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hiện chưa rõ Kim Yo-jong có ảnh hưởng như thế nào đến anh trai mình nhưng giới phân tích đều miêu tả cô là một trong những gương mặt được ông Kim Jong-un tin tưởng hơn cả.
Bằng việc cử Kim Yo-jong đến Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có lẽ đang muốn thể hiện thái độ coi thường các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc, chuyên gia đánh giá. Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng Choe Hwi, chủ tịch Ủy ban Hướng dẫn Thể thao Quốc gia Triều Tiên, người cũng có mặt trong phái đoàn, hiện bị áp đặt lệnh hạn chế đi lại. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn áp dụng với cả Air Koryo, hãng hàng không dự kiến đưa đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc dự thế vận hội.
Nếu Triều Tiên được miễn một số biện pháp trừng phạt khi cử phái đoàn đến Hàn Quốc dự Olympic, đây có thể là tiền đề để Bình Nhưỡng ra thêm nhiều yêu sách hơn, ví dụ như yêu cầu hủy tập trận chung Mỹ - Hàn hay nối lại các dự án kinh tế liên Triều, bà Duyeon Kim, chuyên gia tham dự Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên ở Seoul, nhận xét.
"Đó đều là chiến lược nhằm cố gắng thử và làm suy yếu các biện pháp trừng phạt, đồng thời gây chia rẽ Seoul và Washington", bà Kim cho hay.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc thì cho rằng quyết định của Triều Tiên cử Kim Yo-jong tham gia phái đoàn mang đến cơ hội để họ dàn xếp một cuộc gặp mặt giữa Mỹ và Triều Tiên.
"Chúng tôi tin rằng thông tin về thành phần phái đoàn từ phía Triều Tiên cho thấy họ sẵn sàng hòa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên", phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc cho hay, nói thêm rằng chính phủ sẽ "đảm bảo không có bất kỳ vấn đề bất tiện nào xảy ra trong thời gian phái đoàn cấp cao Triều Tiên đến làm việc".
"Việc để Kim Yo-jong có mặt trong phái đoàn Triều Tiên cho thấy Kim Jong-un đang cố gắng thể hiện rằng ông muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc", Cheong Seong-chang, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong, trụ sở ở Seoul, bình luận. Theo Cheong, quyết định trên dường như còn bị ảnh hưởng bởi thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cử con gái Ivanka tới Pyeongchang.
"Nhưng điểm quan trọng hơn cả ở động thái này nằm ở chỗ nó gia tăng cơ hội diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hay ít nhất là một số cuộc đàm phán thẳng thắn giữa Seoul và Bình Nhưỡng", Cheong đánh giá.
Kim Yo-jong đưa cho ông Kim Jong-un xem tài liệu trong lễ duyệt binh năm 2017. Ảnh: KCTV.
|
Theo ông Shin Beom-chul, giáo sư Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, một trong những điểm tích cực về chuyến thăm của Kim Yo-jong là cô có thể truyền đạt thông điệp thay mặt Kim Jong-un. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại rằng Kim Yo-jong sẽ chỉ tới Hàn Quốc và im lặng.
Tại Đại hội Thể thao châu Á tại Incheon hồi năm 2014, Triều Tiên cũng cử một phái đoàn cấp cao tới sự kiện, làm trào dâng những kỳ vọng về một bước đột phá lớn trong quan hệ liên Triều.
"Nhưng thực tế, tất cả những gì họ làm chỉ là đến để cổ động cho các vận động viên", ông Green nói. "Đây là một phần trong chiến lược tuyên truyền thể thao của Triều Tiên".
Vũ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét