Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Khát khao Tết bình dị của những đứa trẻ mồ côi

Cặp sách, đồ chơi, quần áo mới, hay sự cưng nựng của người lớn, những điều bình thường trở thành khát khao ngày Tết của những đứa trẻ mồ côi.

Hai chị em bé Tiên (11 tuổi) và Ngọc (10 tuổi) vào Trung tâm chăm sóc người già và trẻ tàn tật và Trung tâm bảo trợ số 4 (Thụy An, Ba Vì, Hà Nội) từ lúc mới lên hai, lên ba. Chúng không có người thân nào tới thăm bao nhiêu năm qua. Hai chị em nương tựa vào nhau lớn lên và đều học rất tốt. Tết này, Tiên ước có một bộ cầu lông để chơi. Ngọc thì muốn một chiếc cặp sách mới.
Bé Tiên, háo hức mở bộ cầu lông.
Bé Tiên, háo hức mở bộ cầu lông.
"Cặp cũ em đi 5 năm rồi. Nó bị rách và hỏng khóa nên em xin các cô chú cho cặp mới", Ngọc nói. Cuối tháng 1/2018, 54 trẻ sống trung tâm viết điều ước năm mới của mình gửi cho Quỹ Hy vọng của báo VnExpress"Em ước một chiếc áo ấm", "Em ước được một chiếc quần bò để đi học nghề", "Em ước một đôi giày"... những mảnh giấy nhỏ nắn nót viết.
Ngày 4/2, chương trình "Chung tay chở Tết về gần" của Quỹ Hy vọng mang quà tới. Ngoài những hỗ trợ thiết thực cho cuộc sống thường ngày, các bạn nhỏ ở Trung tâm bảo trợ số 4 được thực hiện điều ước.
Trong điều ước, Ngọc chỉ nghĩ đến một chiếc cặp hồng, không ngờ được tặng một chiếc cặp kéo màu này. Ngọc vui lắm, em kéo đi, kéo lại trong phòng, ngay sau đó chuyển hết đồ dùng học tập từ cặp cũ sang.
Bé Yến Nhi, 4 tuổi nhỏ nhất trong trung tâm này. Ba năm trước, bố mẹ Nhi bị một tai nạn, mẹ em chết tại chỗ, bố mất hoàn toàn sức lao động, trong khi bà bị tật, ông bị mù. Nhi và anh trai Quốc Khánh (6 tuổi) được đưa vào Trung tâm bảo trợ số 4 từ ngày ấy.
Cô bé được chị Hạnh (18 tuổi) chăm sóc từ khi mới chập chững biết đi. Hai chị em nằm cùng một chiếc giường tầng, vốn chỉ dành cho một người. Từ bấy tới nay, Nhi rơi xuống đất bao lần, Hạnh không thể đếm được. "Em Nhi ngoan lắm, mỗi cái tội ngủ hỗn. Mùa này em cũng hay ho trớ, cháu hay phải giặt nhiều chăn màn lắm", Hạnh nói.
Sợ em bị lạnh, bị ốm, nên dù biết em thích gấu bông, búp bê nhưng Hạnh quyết định ghi điều ước cho em là "Chiếc áo bông ấm màu hồng". Hạnh cũng ghi điều ước là chiếc áo màu giống em. Cô xem Nhi là người thân duy nhất và mong ước qua Tết sẽ đi học nấu ăn, để có tiền nuôi em.
Các tình nguyện viên đến thăm mái ấm Thiện Duyên. Ảnh: Tuấn Nhu.
Các tình nguyện viên đến thăm mái ấm Thiện Duyên. Ảnh: Tuấn Nhu.
Ngày 5/2, chương trình "Chung tay chở Tết về gần" cũng đến thăm và trao quà cho trẻ khuyết tật ở Mái ấm Thiện Duyên (Củ Chi, TP HCM). Bé Búp Bê, 14 tuổi, bị bại não sau một trận sốt năm 3 tuổi. Ở tuổi thiếu niên, Búp Bê vẫn như đứa trẻ lên ba. Em chạy lại ôm một nhà hảo tâm tới thăm và đòi bế. Tới giờ cơm, Búp Bê muốn được đút. Em ăn rất nhanh và ngoan, như mọi đứa trẻ khác ở Mái ấm Thiện Duyên.
Chiều 6/2, Mái ấm Thiên Thần (quận 9, TP HCM), rộn ràng khi các tình nguyện viên mang quà tới. Căn phòng thường ngày bỗng chốc được các tình nguyên viên trang trí lung linh đón Tết. Một bữa tiệc nhỏ gồm nhiều món nhanh chóng lấp đầy ghế trống cùng tâm trạng háo hức của lũ trẻ. Mấy đứa chỉ trỏ hỏi nhau đây là món gì, rồi chẳng đợi câu trả lời mà tập trung vào màn biến hóa của chú hề đội tóc xanh. 
Bên cạnh nhu yếu phẩm các em cũng được tặng sách vở mới. Ảnh: Tuấn Nhu.
Bên cạnh nhu yếu phẩm các em cũng được tặng sách vở mới. Ảnh: Tuấn Nhu.
Nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ ở đây quyến luyến mình. Chị Xuân Tú, một thành viên tham gia ngày hôm đó chia sẻ: "Khi được tặng giấy ướt, những đứa trẻ lôi ra nghịch. Một bé dúi vào tay tôi, rồi ngửa mặt ra. Sau một thoáng tôi mới hiểu... Tôi lau khuôn mặt nhỏ xinh của con và thấy mình nghẹn lại".
Từ lúc đó, cô bé bám dính lấy chị Tú. Nhiều bé khác cũng nhanh chóng đòi người lớn bế mình. "Lúc phải chia tay đi điểm khác, các con bám theo không chịu buông. Dù được các mẹ nuôi bế, dỗ dành thế nào các bé cũng không chịu. Có những bé khóc tới tận tối đi ngủ", chị Tú xót xa kể.
Ông Hiệp, chủ mái ấm tại quận 9, người đã trích 1.500 m2 đất dưỡng già để xây đắp nên nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các mảnh đời bất hạnh. Trước nay, ông quan niệm tự lực cánh sinh, không dựa vào sự ủng hộ từ xã hội nên ít tiếp xúc với các đơn vị truyền thông, quỹ thiện nguyện. "Bảy năm rồi, cơ sở chúng tôi mới đón mùa xuân đong đầy: có bữa tiệc ngon, có quần áo mới", ông Hiệp nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét